Đăng nhập

Cổng TTĐT Phường Nhị Châu - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Phường Nhị Châu

Phường Nhị Châu được thành lập theo Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành ngày 23/9/2009 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, thành lập các phường mới thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; phường Ngọc Châu tách làm hai phường Ngọc Châu và Nhị Châu; trên cơ sở điều chỉnh 318,25 ha diện tích tự nhiên và 6.824 người thuộc của phường Ngọc Châu sang phường Nhị Châu. Phường có diện tích 3,17 km².

Phường Nhị Châu hiện tại có vị trí địa lý: phía Đông giáp phường Nam Đồng; phía Tây giáp phường Bình Hàn và phường Quang Trung; phía Tây Nam giáp phường Trần Hưng Đạo và phường Ngọc Châu; phía Bắc giáp xã An Thượng và phường Nam Đồng với ranh giới là sông Thái Bình. Phường Nhị Châu nằm ở phía Đông thành phố Hải Dương, là cửa ngõ đi sang huyện Nam Sách, thành phố Hải Phòng nên thuận lợi cho giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh.

Phường Nhị Châu hiện nay được chia thành 6 khu dân cư: khu 1, khu 2, khu 3, khu 6 - trước đây được gọi chung là làng Gòi thôn Nhị Châu; khu 4 và một phần khu 5 (rìa đường Năm) phường Ngọc Châu trước Nghị quyết 47/NQ-CP, được gọi là thôn Đô Lương.

Điều kiện tự nhiên: từ thưở sơ khai, đất Nhị Châu được sông Hàm Giang (khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị đất nước ta, tại xứ Đông, đã đổi tên sông Hàm Giang thành sông Thái Bình) hợp với sông Kẻ Sặt đem phù sa bồi đắp cho đất Nhị Châu. Tuy chỉ là một dải phù sa ngoài đê, nhưng đất Nhị Châu không bằng phẳng mà cũng nhiều gò bãi, nhất là khu vực phía Tây giáp phường Bình Hàn. Đất trong làng cũng không bằng phẳng, trước đây có nhiều gò, đống như đống Chay, đống Thỉnh, đống Vườn Hơ, v.v…

06 khu dân cư hiện tại vẫn có 3 khu Nhị Châu là khu 1,2,3 (làng Gòi cũ) cấy lúa, trồng màu. Còn các khu dân cư 4,5,6 kinh tế nhân dân chủ yếu là thu nhập từ lương công nhân, kinh doanh, dịch vụ.

Những dấu vết đầu tiên. Vùng đất Nhị Châu được ra đời và phát triển

Hàng vạn năm trước, vùng Hải Dương còn là biển cả, do quá trình vận động của tự nhiên và quá trình bồi đắp phù sa miệt mài ở cửa các dòng sông từ thời xưa mà biển ngày càng bị đẩy lùi ra xa dần về phía Đông. Khi người Văn Lang - Âu Lạc biết trồng lúa, dọc theo triền sông Hàm Giang tràn xuống đồng bằng kiếm ăn; tới Hải Dương, có đất phù sa màu mỡ, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vừa thuận lợi cho việc kiếm cua cá, vừa thuận tiện cho việc trồng lúa dựa vào nguồn nước tự nhiên, họ đã dừng lại khai phá, sinh cơ lập nghiệp. Nhị Châu cũng nằm trong cái nôi của mảnh đất ấy và sự hình thành của mảnh đất Nhị Châu là rất sớm.

Căn cứ vào các tài liệu khảo cổ, lịch sử địa lý còn ghi lại trong các tác phẩm lưu trữ, các thần phả văn bia ở các đình chùa trên địa bàn thì mảnh đất Nhị Châu đã có từ xa xưa. Bản đồ xưa để lại cho thấy dòng sông Thái Bình trước đây chảy về tới bến Hàn thì gấp khúc chia làm hai nhánh. Nhánh tả hẹp nhưng lòng sông sâu chính là dòng sông Thái Bình ngày nay. Nhánh hữu rộng hơn nhưng lòng sông đầy hơn, nhánh này từ bến Hàn qua cánh đồng phía Tây Nam thôn Nhị Châu qua phố Hòa Bình, qua hồ Bạch Đằng xuống tới phố Bến Bè rồi đổ vào sông Kẻ Sặt chảy xuống phía nam thôn Ngọc Uyên lại gặp nhánh tả sông Thái Bình gần cảng Cống Câu. Như vậy, mảnh đất này được sông Thái Bình hợp với sông Kẻ Sặt đem phù sa bồi đắp tạo thành đất Nhị Châu.

Cho đến nay, chưa ai khẳng định được chính xác mảnh đất Nhị Châu đã xuất hiện những người đầu tiên đến khai phá là thuộc dòng họ nào, từ đâu đến?

Qua các tư liệu lịch sử còn ghi lại những sự kiện lịch sử từ thời Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Ngô Quyền, nhà Đinh, nhà Trần... qua những sắc phong thần, những văn bia còn lại đã nói lên: Mảnh đất Nhị Châu chẳng những có người ở từ rất sớm mà những con người ấy đã từng góp phần cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử hào hùng. Họ Trần (Trần Thế, Trần Bá, Trần Đình, Trần Văn) ở Nhị Châu giữ được gia phả dài đời nhất cũng được 32 đời (tính đến năm 2022), dòng họ lâu đời nhất ở Nhị Châu. Bên cạnh họ Trần, những dòng họ Nguyễn, họ Vũ, họ Phạm, họ Lê, họ Đinh,... cũng đã xuất hiện ở đây từ lâu, nhưng tiếc rằng gia phả không còn lưu giữ đầy đủ.

Có nhiều người già là dân bản địa Nhị Châu kể lại[1]: Cụ Trần Minh Kính, hiệu Chí Dũng và nô bộc Tả Bộc Dạ quê làng Gòi (Kiến An, Hải Phòng) tìm nơi lập nghiệp, về nơi đây thấy gò nổi dễ làm ăn buôn bán, đã mở quán bán hàng, lập ấp, lấy tên làng là làng Gòi (lấy tên quê hương của cụ là làng Gòi, Kiến An, Hải Phòng).

Dân làng Gòi sinh sống ở đây ban đầu thưa thớt, theo thời gian đã đông đúc dần lên; từ làng Gòi đó, dân cư đã sang lập làng mới ở thôn Đô Lương (phường Nhị Châu, Ngọc Châu), thôn Kim Lai (phường Ngọc Châu).

 Đầu thế kỷ XX, dân số ở Nhị Châu mới có khoảng trên 700 người[2], sống tập trung, chủ yếu ngoài khu bãi sông xung quanh khu đình Nhị Châu ngày nay. Riêng chỉ có mấy hộ ở tập trung thành một trại (cạnh đường 5) làm thuê cho địa chủ Bá Sen nên gọi là trại Bá Sen (chính là thôn Đô Lương nay đổi tên, trong đó có khu dân cư số 4, phường Nhị Châu). Đến năm 1945, do nạn đói và dịch bệnh nên nhiều người chết, một số người lại bỏ làng đi tha phương cầu thực rồi mất tích, do đó cả 2 thôn Ngọc Uyên và Nhị Châu chỉ còn 443 hộ với 2.156 nhân khẩu.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả Nhị Châu, Ngọc Uyên và Kim Lai đều thuộc tổng Thượng Đạt (sau đổi thành tổng Trác Châu) phủ Nam Sách.

Ngày 22/11/1945, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 63/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về tổ chức chính quyền nhân dân ở địa phương. Theo Sắc lệnh 63/SL, cấp tổng bị xoá bỏ. Ngày 21/12/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 77/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc tổ chức chính quyền nhân dân chính phủ lâm thời. Điều 3 của Sắc lệnh 77 có ghi: các thị trấn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt và Sài Gòn - Chợ Lớn đều đặt làm thành phố; còn lại là thị xã. Hải Dương trở thành thị xã Hải Dương.

Tháng 01/1946, huyện Nam Sách thành lập xã Ngọc Châu gồm 3 thôn Nhị Châu, Ngọc Uyên và Kim Lai (tách khỏi tổng Trác Châu), lấy tên Ngọc từ Ngọc Uyên, tên Châu từ Nhị Châu hợp thành Ngọc Châu; thời gian đó, làng Đô Lương đã được lập ra từ dân cư thôn Nhị Châu nên đương nhiên được coi thuộc thôn Nhị Châu trong sáp nhập.

Đầu năm 1950, tỉnh Hải Dương cho sáp nhập xã Ngọc Châu thuộc thị xã Hải Dương để có địa bàn hoạt động, đưa đón cán bộ, đảng viên ra vào thị xã trong

cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đây nhiều cán bộ của Thị uỷ được phái về Nhị Châu, Ngọc Uyên, Kim Lai đứng chân; tìm cách thâm nhập vào nội thành hoạt động.

9 năm kháng chiến chống Pháp, dân số Nhị Châu tăng không đáng kể. Năm 1954, một số đồng bào Công giáo ở Kim Lai và trại Công giáo Nhị Châu bị cưỡng ép di cư vào Nam mất 99 hộ.  

Ngày 10/8/1955, xã Ngọc Châu được cắt trả lại huyện Nam Sách.

Ngày 14/5/1969, xã Ngọc Châu sáp nhập về thị xã Hải Dương, do nhu cầu phát triển thị xã. Năm 1997, xã Ngọc Châu chuyển thành phường Ngọc Châu.

Theo Nghị quyết số 47/NQ - CP ban hành ngày 23/9/2009 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, thành lập các phường mới thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, phường Ngọc Châu tách làm hai phường Ngọc Châu và phường Nhị Châu. Sau sự kiện này, phường Nhị Châu chính thức được thành lập vào tháng 1/2010.

Ngày 22/12/2009, Thành ủy Hải Dương đã ra Quyết định số 719 - QĐ/Th.U về việc thành lập Đảng bộ phường Nhị Châu và Quyết định số 724 - QĐ/Th.U về việc chỉ định BCH Đảng bộ lâm thời, chỉ định Ban Thường vụ; chỉ định chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy phường Nhị Châu nhiệm kỳ 2005 - 2010. 

Đảng bộ phường Nhị Châu được thành lập với 11 chi bộ.

BCH Đảng bộ lâm thời, Ban Thường vụ Đảng ủy phường Nhị Châu nhiệm kỳ 2005 - 2010 được thành lập (thông tin trong phần Phụ lục); đồng chí Lê Văn Xuyền giữ chức Bí thư Đảng ủy; Đồng chí Trần Bá Hoạt giữ chức phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Phạm Văn Cảnh giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Nhị Châu.

Thành lập Hội đồng nhân dân (HĐND) phường Nhị Châu sau khi thành lập phường và Đảng bộ phường, năm 2010 HĐND thành phố Hải Dương đã kiện toàn Hội đồng nhân dân phường Nhị Châu khóa XIX, nhiệm kỳ 2004 - 2011, gồm 8 đại biểu: ông Phạm Đình Túy được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND phường.

Chỉ định UBND lâm thời phường Nhị Châu

Căn cứ Thông báo Nghị quyết số 553 TB - NQ/Th.U, ngày 22/12/2009 về công tác cán bộ của Thành ủy Hải Dương, ngày 24/12/2009, UBND thành phố Hải Dương đã ra Quyết định số 3140/QĐ - UBND về việc chỉ định UBND lâm thời phường Nhị Châu: đồng chí Phạm Văn Cảnh đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND phường Nhị Châu; đồng chí Trần Bá Mịch đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND phường Nhị Châu; đồng chí Nguyễn Thị Hảo đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND phường Nhị Châu;

Thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nhị Châu

Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Dương đã ra Quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nhị Châu và chỉ định BCH lâm thời, do ông Trần Văn Hùng giữ chức Chủ tịch; ông Trần Văn Sử giữ chức Phó Chủ tịch; bà Phạm Thu Nga giữ chức Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ phường. Đến tháng 6/2010, bà Phạm Thu Nga giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nhị Châu, nhiệm kỳ 2008-2013.

Thành lập Hội Nông dân phường Nhị Châu

Ngày 29/12/2019, Hội Nông dân thành phố ra quyết định số 45/QĐ - HND về việc thành lập hội Nông dân phường Nhị Châu và chỉ định Ban chấp hành (BCH) lâm thời, gồm 9 thành viên; Ông Phạm Đình Túy giữ chức Chủ tịch hội, ông Nguyễn Văn Hùng giữ chức Phó Chủ tịch hội. Ngày 30/6/2010, Hội nông dân phường tổ chức Đại hội lần thứ nhất, Đại hội đã bầu 9 thành viên vào BCH hội khóa I; BCH đã bầu Ông Phạm Đình Túy giữ chức Chủ tịch Hội, ông Hoàng Văn Hải giữ chức Phó Chủ tịch hội.

Thành lập Hội Phụ nữ phường Nhị Châu

Ngày 31/12 2009, Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố ra Quyết định số 06/QĐ - BTV về việc thành lập Hội Phụ nữ phường Nhị Châu. Chỉ định BCH lâm thời, BTV, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội. Bà Trần Thị Hồng Nga được chỉ định làm Chủ tịch Hội, Bà Trần Thị Nga được chỉ định làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường. Năm 2010, Hội Phụ nữ phường Nhị Châu tổ chức Đại hội lần thứ nhất; Đại hội đã bầu BCH gồm 9 ủy viên; Ngay sau Đại hội BCH đã họp bầu bà Trần Thị Hồng Nga làm Chủ tịch Hội, bà Trần Thị Nga làm Phó Chủ tịch Hội.

Thành lập Hội Cựu Chiến binh (CCB) phường Nhị Châu

Ngày 08/01/2010, Ban Thường vụ Hội CCB Thành phố Hải Dương ra Quyết định số 94/QĐ - CCP về việc thành lập Hội CCB phường Nhị Châu. Chỉ định BCH lâm thời, BTV, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội. BCH có 9 ủy viên; đồng chí Nguyễn Quang Huy được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội, đồng chí Vũ Minh Chỉ được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB phường. Ngày 10/12/2010, Hội Cựu Chiến binh phường tổ chức Đại hội lần thứ nhất; Đại hội đã bầu BCH gồm 11 ủy viên; đồng chí Nguyễn Quang Huy được bầu giữ chức Chủ tịch Hội, đồng chí Vũ Minh Chỉ được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB phường.

Thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phường Nhị Châu

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phường Nhị Châu được thành lập sau Quyết định của Thành đoàn Hải Dương. Chỉ định BCH lâm thời gồm 10 đồng chí, BTV gồm 3 đồng chí - Trần Thị Phương, Nguyễn Đức Đạt và Luyện Thị Hương Nhài; giữ chức Bí thư Đoàn phường là đồng chí Trần Thị Phương; Phó Bí thư Đoàn phường là đồng chí Nguyễn Đức Đạt.

Thành lập Công an phường Nhị Châu

Công an phường Nhị Châu được thành lập ngày 16/12/2009 theo Quyết định số 4291/QĐ-BCA ngày 16/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng chí Trung tá Lê Quang Hân, sinh năm 1960, giữ chức vụ Trưởng Công an phường từ ngày 01/01/2010.

Thành lập Ban Chỉ huy Quân sự phường Nhị Châu

Ban Chỉ huy Quân sự phường phường Nhị Châu được thành lập sau Quyết định của Tỉnh đội Hải Dương. Đồng chí Trần Ngọc Đạo giữ chức Chỉ huy trưởng Quân sự phường Nhị Châu.

Thành lập Hội Người cao tuổi phường Nhị Châu

Hội Người cao tuổi phường Nhị Châu tách ra từ phường Ngọc Châu; từ ngày 01/01/2010 đến tháng 11/2010, Chủ tịch lâm thời là ông Trần Văn Sử, Phó Chủ tịch là ông Trần Văn Soan; đến tháng 12/2010, Đại hội lần thứ 5 nhiệm kỳ 2010-2016 được tổ chức, Đại hội bầu Chủ tịch Hội NCT là ông Trần Văn Sử, Phó Chủ tịch là ông Trần Văn Soan.

Thành lập Ban Thanh tra nhân dân phường Nhị Châu

Ban Thanh tra nhân dân phường Nhị Châu được thành lập ngày 10/3/2010, bà Phạm Thu Nga - Phó Chủ tịch UBMTTQ phường giữ chức Trưởng ban, ông Trần Văn Líp giữ chức Phó Trưởng ban; tháng 6/2010, ông Trần Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBMTTQ phường giữ chức Trưởng ban.

Thành lập Chi hội Luật gia phường Nhị Châu

Tháng 02/2010, Chi hội luật gia phường Nhị Châu được thành lập theo Quyết định số 03, ngày 04/02/2010 của Hội Luật gia thành phố với 4 thành viên là ông Phạm Văn Chu, ông Trần Văn Sử, ông Trần Bá Mịch, ông Trần Bá Hoạt. Ngày 28/11/2011, Đại hội Luật gia phường Nhị Châu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 – 2015 được tổ chức, Đại hội bầu ông Phạm Văn Chu giữ chức Chi hội trưởng, ông Trần Văn Sử giữ chức Chi hội phó.

Thành lập Hội Khuyến học phường Nhị Châu

Hội Khuyến học phường Nhị Châu tách ra từ phường Ngọc Châu, từ ngày 1/1/2010 đến tháng 3/2010, Chủ tịch Khuyến học lâm thời bà Nguyễn Thị Hảo, 02 PCT hội: bà Trần Thị Hồng Nga (cán bộ văn hóa), bà Phạm Thị Thanh Vân (Hiệu trưởng trường Tiểu học). Tháng 3/2010, Đại hội Khuyến học khóa III, nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức, bà Nguyễn Thị Hảo giữ chức Chủ tịch Hội, bà Trần Thị Hồng Nga giữ chức Phó Chủ tịch Hội, BCH gồm 15 ông, bà.

Thành lập Hội Cựu giáo chức phường Nhị Châu

Ngày 20/6/2010, Thành hội cựu giáo chức Hải Dương ra quyết định thành lập Hội Cựu giáo chức phường Nhị Châu gồm 33 hội viên và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời; BCH lâm thời gồm 5 thành viên; đồng thời chỉ định bà Nguyễn Thị Min đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, bà Hoàng Thị Dung đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội. Ngày 16/11/2010, Hội Cựu giáo chức phường Nhị Châu tổ chức Đại hội toàn thể hội viên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010-2014 và bầu Ban Chấp hành hội; BCH gồm 5 thành viên; đồng thời bầu bà Nguyễn Thị Min giữ chức Chủ tịch, bà Hoàng Thị Dung giữ chức Phó Chủ tịch Hội.

Thành lập Hội Chữ thập đỏ phường Nhị Châu

Hội Chữ thập đỏ được thành lập từ năm 2010, bà Đinh Thị Trưởng giữ chức Chủ tịch Hội.

Thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam - đioxin phường

Hội Nạn nhân chất độc da cam - điôxin phường được thành lập từ năm 2010. Đại hội lần thứ nhất tổ chức vào tháng 8/2010. Đại hội bầu ông Phạm Đình Cự giữ chức Chủ tịch Hội, bà Phạm thị Đào giữ chức Phó Chủ tịch Hội.

Thành lập Công đoàn phường, Hội cựu TNXP phường, Ban Bảo vệ dân ph phường Nhị Châu: Công đoàn phường, Hội TNXP và Ban Bảo vệ dân phố phường Nhị Châu cũng được thành lập trong năm 2010.

* * *

Như vậy, trong năm 2010, phường Nhị Châu được thành lập; các chức danh lãnh đạo được kiện toàn; các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mọi Chỉ thị, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; thực hiện việc lãnh đạo nhân dân phường Nhị Châu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, góp phần xây dựng thành phố Hải Dương ngày một dân chủ, văn minh, giàu mạnh. ​